Bệnh viện cây

https://benhviencay.vn


Sâu hại chính trên cây mãng cầu xiêm và biện pháp quản lý

Triệu chứng gây hại

1. Sâu đục trái Conogethes punctiferalis (Lepidoptera: Pyralidae)

Trứng có hình bầu dục, màu vàng nhạt. Ấu trùng đầu màu nâu, thân màu hồng, trên lưng có những đốm nhỏ màu nâu và lông nhỏ cứng. Nhộng màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa chuyển sang màu nâu, dài khoảng 13 mm, chiều ngang 4 mm. Thành trùng là một loại bướm, màu vàng, trên cánh có nhiều chấm nhỏ màu đen, chiều dài sải cánh 2,5 mm, chiều dài thân 12 mm.
Trứng được đẻ ngay trên trái. Ấu trùng sau khi nở sẽ đục vào bên trong trái làm trái biến dạng, rụng sớm do sâu thường tập trung gây hại tại phần cuống trái.
Sâu hóa nhộng tại nơi tiếp xúc giữa các trái với nhau hoặc gần cuống trái. Trái lớn sâu không đục vào bên trong mà chỉ tấn công phần thịt trái dưới vỏ trái làm trái mất giá trị thương phẩm. Hóa nhộng bằng cách nhả tơ kết phân thành một lớp kén mỏng và hóa nhộng trong kén trên cuống trái.

Biện pháp quản lý

- Cắt tỉa các cành, nhánh sâu bệnh hoặc yếu ớt và thu gom đêm tiêu hủy. Sau khi cắt cành, nhánh cần quét phủ lên bề mặt vết cắt bằng keo dán gỗ kết hợp với thuốc Mancozeb (Dithan M – 45 80 WP) pha theo tỷ lệ 100ml keo và 1 muỗng canh thuốc. Dao hay kéo cắt cần được xử lý sau mỗi lần cắt cành với thuốc tẩy gia dụng Javel 25 %.
- Bao trái sau khi trái đậu được 30-45 ngày.
- Khi sâu đục trái xuất hiện 2 % số trái: phun luân phiên các loại thuốc như: Chlorantraniliprole (Prevathon 35WP), Emamectin benzoate (Acplant 1.9EC...), Abamectin (Abatin 5.4EC…),  Abamectin + Bacillus thuringiensis var. kurstaki (Kuraba WP)…

 2. Rệp sáp phấn Planococcus lilacinus và Pseudococcus sp. (Hemiptera: Pseudococcidae)

 Ấu trùng mới nở kích thước rất nhỏ, cơ thể chưa phủ bột sáp trắng, râu đầu và chân rõ ràng, di chuyển nhanh nhẹn.
Thành trùng đực có 1 cặp cánh trước phát triển.
Thành trùng cái không cánh luôn có dạng hình trứng. Màu sắc con cái biến động từ vàng nhạt, xám hay hồng nhạt. Xung quanh mép cơ thể ở phía lưng có nhiều nhóm lỗ tiết sáp. Từ lỗ tiết sáp trên lưng và xung quanh mép cơ thể bột sáp trắng được tiết ra bao phủ trên lưng và tạo ra những tua sáp đặc trưng xung quanh cơ thể.
Rệp phát tán chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng. Rệp tấn công bằng cách tập trung chích hút trên lá và trái làm lá non bị biến dạng, trái bị chai không lớn được. Nếu bị tấn công vào giai đoạn trái non thì trái thường bị rụng. Nếu tấn công vào giai đoạn trái phát triển thì làm mất giá trị thương phẩm. Trong quá trình gây hại chúng thường tiết ra mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển. Rệp hiện diện hầu như quanh năm trên cây, nhưng gây hại nặng nhất vào mùa nắng.
Biện pháp quản lý
- Cắt tỉa các cành, nhánh sâu bệnh hoặc yếu ớt và thu gom đêm tiêu hủy. Sau khi cắt cành, nhánh cần quét phủ lên bề mặt vết cắt bằng keo dán gỗ kết hợp với thuốc Mancozeb (Dithan M – 45 80 WP) pha theo tỷ lệ 100ml keo và 1 muỗng canh thuốc. Dao hay kéo cắt cần được xử lý sau mỗi lần cắt cành với thuốc tẩy gia dụng Javel 25 %.
- Tưới nước rửa trôi: Rệp sáp có thể bị rửa trôi với vòi nước mạnh và liên tục. Xử lý bằng vòi nước nhiều lần khi cần cũng là biện pháp tốt trong điều kiện bị nhiễm nhẹ.
 - Trong tự nhiên có các loài thiên địch là ong ký sinh như: Leptomastidea abnormisLeptomastix dactylopii... Loài ăn thịt gồm: Bọ lacewing nâu (Sympherobius barberi); bọ lacewing xanh (Chrysopa lateralis), bọ rùa….
- Khi rệp sáp xuất hiện 2 – 3 con/trái (đọt non, lá non, nụ hoa): phun luân phiên các loại thuốc như Buprofezin (Butyl 10WP, Map-Judo 25WP…),  Spirotetramat (Movento 100OD), dầu khoáng…
3. Rầy xanh  Emrasca sp. (Hemiptera: Cicadellidae)
Rầy có thân dài 2,5 – 4 mm, màu xanh lá mạ. Đầu hơi hình tam giác, hai cánh trước màu xanh trong suốt xếp úp hình mái nhà.
Cả rầy non và rầy trưởng thành dùng vòi chọc chích hút cây dọc hai bên gân chính và gân phụ của lá non, đọt chồi non gây nên những vết châm làm cho lá non bị tổn thương, làm cho việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng đến lá gặp trở ngại. Những lá này gặp điều kiện khô nóng sẽ bị khô từ đầu lá và mép lá đến 1/2 lá sau đó lá sẽ rụng đi.
Biện pháp quản lý
- Cắt tỉa các cành, nhánh sâu bệnh hoặc yếu ớt và thu gom đêm tiêu hủy.
- Khi rầy xanh xuất hiện 1 – 2 con/đọt non: phun luân phiên các loại thuốc như Clothianidin (Dantotsu  50WG), Abamectin (Abatin 5.4EC...), Spirotetramat (Movento 100OD)…
Bọ xít muỗi  Helopeltis sp. ( Hemiptera: Miridae)
Con trưởng thành có hình dạng giống như con muỗi. Con cái thân dài 4-5mm, con đực nhỏ hơn dài 3,5 – 4,5 mm.
Trên lưng ngực có cái chuỳ nghiêng về phía sau, nhìn thẳng từ trên xuống núm chuỳ có hình tròn.
 Trứng có hình bầu dục hơi phình to ở giữa, màu trắng trong. Trứng được đẻ ở trong đọt non hoặc trên gân chính lá non.
 Ấu trùng tuổi 1 màu vàng đồng nhất có nhiều long, cuối bụng cong về phía lưng, cuối râu phình to, ấu trùng có 5 tuổi. Ấu trùng tuổi 5 có màu xanh ánh vàng, mầm cánh phủ kín hết đốt bụng thứ  4.
Cả ấu trùng và trưởng thành đều gây hại, bọ xít dùng vòi chích hút nhựa ở đọt, lá non, hoa và trái. Vết châm của bọ xít muỗi có hình tròn hoặc gần tròn lúc đầu có màu chì xung quanh có màu nhạt, sau đó vết châm biến thành màu nâu đậm. Bọ xít muỗi thường tập trung gây hại từng đám, phần bị hại cong queo, cháy thui đen, lá rụng đi.
Biện pháp quản lý
Tương tự như rầy xanh.
 5. Ruồi đục quả Bactrocera dorsalisB. correcta (Diptera: Tephritidae)
Trứng có hình hạt gạo, kích thước 1 x 0,2 mm. Lúc mới đẻ, trứng có màu sữa trắng, khi sắp nở chuyển màu vàng nhạt.
 Giòi mới nở dài khoảng 1,5 mm, khi phát triển đầy đủ dài 6 – 8 mm. Nhộng dài 5 -7 mm, có hình trứng, lúc đầu màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa có màu nâu đỏ.
 Trưởng thành có cơ thể dài 7 -9 mm, sải cánh rộng 1,3 mm, đầu có dạng hình bán cầu. Ngực có màu nâu đỏ hoặc nâu tối, hai bên ngực có 2 chấm màu vàng ở gốc trước, tiếp đến là 2 vệt màu vàng ở cuối ngực. phần bụng tiếp giáp phần ngực có 2 vệt to màu vàng, giữa 2 sọc có 1 sọc đen, đồng thới có 1 sọc chạy lưng bụng giống hình chữ T (B. dorsalis), ở đỉnh của 2 cánh có vệt đen (B. correcta). Trưởng thành cái có ống đẻ trứng kéo dài ở cuối bụng.
Giòi nở ra đục ngay vào trong trái ăn phần mềm, thảy phân tạo điều kiện cho vi sinh vật, nấm phát triển, làm cho trái hư và rụng. Đủ sức giòi chui ra búng mình xuống đất hóa nhộng. Tác hại của ruồi đục quả không những gây hư quả hàng loạt làm giảm năng suất, sản lượng, ảnh hưởng đến chất lượng quả mà còn không đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Biện pháp quản lý
- Thu hoạch khi trái đạt độ chín thu hoạch, không giữ trái đã chín quá lâu trên cây.
- Tỉa cành, làm vệ sinh vườn cho vườn luôn thông thoáng. Nên thu gom những trái bị ruồi đem tiêu hủy.
- Sử dụng biện pháp bao trái để phòng ngừa ruồi đục trái.
- Sử dụng bã Protein để phun, cần lưu ý là phải thực hiện trên diện rộng và đồng loạt.

Tác giả bài viết: ThS. Huỳnh Thanh Lộc

Nguồn tin: Phòng KH&HTQT - SOFRI

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây