Bệnh nứt và thối rễ cây có múi và các biện pháp quản lý

Thứ tư - 09/09/2020 03:55
Bệnh nứt và thối rễ là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho các vùng trồng cây có múi. Bệnh gây hại trên tất cả giai đoạn sinh trưởng của cây, rất khó nhận dạng và thậm chí gây chết cây đối với cây để nhiều trái.
Triệu chứng bệnh nứt thối rễ trên cây cam sành và bưởi da xanh
Triệu chứng bệnh nứt thối rễ trên cây cam sành và bưởi da xanh
1. Triệu chứng: Cây sinh trưởng kém, suy yếu, còi cọc. Lá vàng nhợt nhạt, rụng sớm và để lại cuốn lá trên các cành mới rụng. Lá mới ra nhỏ hơn kích thước ban đầu rất nhiều. Khi quan sát bằng mắt thường thì cổ rễ, rễ gần mặt đất, rễ cái bị nứt theo chiều dọc, rễ con bị thối. Nông dân gọi “nứt rễ củ (khoai) mì”. Khi quan sát qua kính lúp (kính hiển vi) thấy các đường nứt thường do nhện đào bới, có sự hiện diện của phân nhện và một số loài nhện hại rễ (soil mite) (tất nhiên cũng có sự hiện diện của các loài nhện ăn xác bả thực vật và nhện thiên địch). Trong các rễ con cũng có sự hiện diện của nhện hại rễ, ăn hết các phần non của rễ chỉ chừa lại phần vỏ rễ. Các cây bị bệnh nặng, hệ thống rễ tơ bị thối toàn bộ, rễ to bị thối dần và thối ngang cổ rễ. Cây rất ít rễ, dễ bị đỗ ngã.
2. Tác nhân: Do một số loài nhện hại rễ và còn có sự kết hợp của các tác nhân khác (tuyến trùng Pratylenchus sp., nấm Phytophthora sp., nấm Fusarium sp., …).
3. Các biện pháp quản lý:
Giải pháp giống: Điều tiên quyết là phải sử dụng cây giống sạch bệnh, cây giống khỏe mạnh. Cây giống phải không nhiễm nhện hại rễ, cũng như không nhiễm tuyến trùng Pratylenchus spp. và nấm gây bệnh (Phytophthora sp., Fusarium sp.); cần kiểm tra thật kỹ bầu ươm cây giống trước khi trồng.
Biện pháp canh tác: (1) Làm đất thật kỹ trước khi trồng, đặc biệt là trên các vườn đã trồng cây có múi; cần luân canh với cây ngắn ngày khác một vài vụ trước khi trồng lại cây có múi. (2) Thăm vườn thường xuyên để quan sát các triệu chứng rụng lá bất thường của cây có múi. (3) Cây có múi cần được bón phân đầy đủ, cân đối (NPK) và hợp lý vào các giai đoạn phát triển của cây sẽ giúp cây được khoẻ mạnh, chống chịu với mầm bệnh. (4) Hàng năm nên bón bổ sung thêm vôi (Vôi dolomite) cho vườn cây có múi 2 lần/năm (vào đầu và cuối mùa mưa). (5) Rãi phân hữu cơ (phân gà, phân bò, phân heo...) ủ oai mục hoặc phân hữu cơ công nghiệp kết hợp với chế phẩm nấm Trichoderma (20g – 100g) tùy thuộc vào tuổi cây. (6) Vệ sinh vườn thường xuyên nhằm làm giảm nguồn bệnh hiện diện trên vườn, tránh sự phát tán và lây lan trong môi trường. (7) Khi cây trên vườn bị bệnh cần khoanh vùng cây nhiễm bệnh, cần cô lập, cách ly để tránh sự phát tán của nhện hại rễ, tuyến trùng, nấm bệnh. Đặc biệt là tuyến trùng có thể phát tán thông qua dòng nước. (8) Tỉa bỏ bớt trái trên cây hoặc bỏ hết trái trên cây tùy vào tình trạng bệnh của cây để giúp cây mau phục hồi.
Biện pháp hóa học: Hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học (thuốc trừ sâu và thuốc trừ bệnh) để rải/tưới vào đất để bảo tồn và phát huy vai trò của nhện thiên địch cũng như các loại vi sinh vật đối kháng với các loại nấm bệnh.
Trong trường hợp cần xử lý nấm bệnh và tuyến trùng, thì có thể tưới (cần xới nhẹ đất xung quanh tán cây) hoặc bơm (phải có cần sục gốc) vào vùng rễ cây có múi hỗn hợp dung dịch thuốc từ 5 lít – 35 lít nước/cây (tùy thuộc vào tuổi cây, loại cây). Quá trình thực hiện như sau: Lần 1: Fosetyl-aluminium (Aliette, Alpine...) + Abamectin+Thiamethoxam (Solvigo/Tervigo). Lần 2: sau 7-10 ngày tưới Dimethomorph (Insuran, Phytocide…) + Abamectin+Thiamethoxam (Solvigo/Tervigo). Cần bón phân hữu cơ có nguồn gốc từ bánh dầu neem để giúp quản lý tuyến trùng tốt hơn. Nửa tháng sau khi xử lý thuốc trị nấm lần cuối cần phun bổ sung kích thích ra rễ (Root 2) để giúp cây nhanh chóng phục hồi. Khi cây đã ra rễ mới, lá mới cần cung cấp phân hữu cơ vi sinh (phân cá, phân Humix, …) kết hợp chế phẩm Trichoderma. Phun thêm phân bón lá trung vi lượng. Khi cây phục hồi khung tán nhanh và chỉ nên giữ lượng trái trên cây vừa phải từ năm thứ 2 trở đi (tính từ lúc chồi tái sinh hình thành).

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Thùy Linh

Nguồn tin: Phòng KH&HTQT - SOFRI

Nông nghiệp nước ngoài
Báo cáo cung - cầu nông sản thế giới
Giá nông sản Thái Lan sẽ tăng cao do hạn hán nghiêm trọng
Quảng cáo
QC1
QC2
QC3
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập210,269
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay565
  • Tháng hiện tại14,755
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây